Cà phê đã len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay và trở thành một nét đẹp của văn hoá. Đôi khi chúng ta yêu một vùng đất chỉ vì ở nơi đó có cảnh thiên nhiên đẹp, hay có người để ta thương nhớ… còn đối với chúng tớ, yêu một Đà Lạt vì ở đó có cà phê, tới một Đà Lạt chỉ để uống cà phê và tìm hiểu những nét đặc sắc của cà phê ở nơi đây và những quán cafe đẹp ở Đà Lạt nữa chứ.
Đã có rất nhiều bài viết hay chia sẻ về các quán cà phê để “sống ảo” như có view đẹp, trang trí độc, lạ hay ngắm hoàng hôn, toàn thành phố ở Đà Lạt… Nhưng chúng tớ chưa thấy có một bài viết nào viết về những điểm khác biệt hay những nét độc đáo trong văn hoá cà phê ở Đà Lạt. Vì vậy mà trong những ngày lang thang ở Đà Lạt, chúng tớ đã cùng nhau khám phá nét đẹp trong văn hoá cà phê của thành phố ngàn sương, ngàn hoa này!
Tản mạn về cà phê Đà Lạt
Cà phê có nguồn gốc từ phương Tây, theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc địa. Ban đầu thứ thức uống này chỉ dành riêng cho giới quý tộc, các quan chức Pháp, hay tầng lớp trí thức nơi thành thị, còn bây giờ đây là thứ thức uống phổ biến nhất ở Việt Nam.
Người ta có thể đoán biết được tính cách con người, văn hóa của mỗi vùng miền qua cách pha cà phê và sở thích uống của mỗi người. Chẳng hạn, người miền Nam thường bọc cà phê trong tấm vải và nấu trong nồi, họ thích uống cà phê đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, chủ yếu uống cà phê pha phin, đen hoặc nâu nhưng đều rất đậm đặc. Vậy cách uống cà phê ở “Tiểu Paris” khác các nơi khác như thế nào?
Cùng theo chân chúng tớ ghé thăm và cảm nhận một vài quán cà phê đặc trưng và nổi tiếng ở Đà Lạt nhé!
Như những gì chúng tớ được thấy, Đà Lạt giống như một cái nôi mang trong mình: một là sự cộng hưởng trong cách pha chế với các vùng miền, đất nước khác, hai là những sắc màu văn hoá “rất Đà Lạt” như cách trồng và thu hoạch cà phê, như uống cà phê trong không khí đượm mùi thành phố sương mù, như cách phục vụ cà phê của người Đà Lạt.
Cà phê vợt bà Năm
Địa chỉ: Quán nằm trên đường Phan Bội Châu.
Nét văn hóa đặc sắc đầu tiên trong “Văn hóa cà phê Đà Lạt” không thể không kể tới là cà phê vợt truyền thống và quán cà phê bà Năm. Quán chỉ vỏn vẹn khoảng 20 m2 với những bộ bàn ghế đã ố màu thời gian, nhìn quán trông rất xuề xòa ấy mà lại rất đông khách.
Bà Năm là chủ quán và quán tồn tại ở đây đã hơn nửa thế kỷ rồi, thay vì pha bằng phin, cà phê của bà Năm sẽ được lọc qua một chiếc vợt. Chiếc ấm tích bằng nhôm cũ kỹ hứng những giọt cà phê được đặt bên trên một chiếc ấm đun nước khác.
Đây là bà Năm.
Cho đến bây giờ, Bà Năm vẫn là người bán ở đây dù đã lớn tuổi rồi. Người ta chưa bao giờ thấy bà vội vàng khi đứng sau cái quầy cà phê đó. Cứ từ tốn trong từng thao tác đã nhuần nhuyễn qua năm tháng, còn khách thì trò chuyện thủ thỉ, không có ai là vội vã ở Đà Lạt hết. Bà bán đồ uống truyền thống như cà phê đen, cà phê sữa, bột sắn, mơ muối, bánh quy đường… chỉ vậy mà đủ hấp dẫn người bản địa và khách du lịch như tụi tớ rồi.
Cột để phơi vợt.
Một phần xôi mặn và cà phê sữa đá.
Khách hàng chủ yếu là người trung niên, lác đác một, hai bàn là một nhóm các bạn trẻ như chúng tớ. Ngồi cà phê Bà Năm hiếm khi thấy ai hỏi mật khẩu wifi, người ta chỉ ngồi xúm lại với nhau bên ly cà phê với những câu chuyện thường ngày. Chúng tớ gọi một ly đen đá, sữa đá và hai chiếc bánh quy đường rồi ngồi nhâm nhi và thưởng thức bánh với nhau, trò chuyện, cùng ngắm thành phố và tận hưởng cái không khí dễ chịu của Đà Lạt.
Khách tới quán đủ mọi lứa tuổi.
Một tấm hình lưu niệm nào!
Xưởng cà phê Là Việt
Địa chỉ: 200 Nguyễn Công Trứ.
Đặt chân tới Đà Lạt, nếu muốn am tường cà phê của thành phố hoa thì bạn không thể không ghé xưởng cà phê Là Việt. Là Việt Coffee có thể xem là một ví dụ hiếm hoi với mô hình quán cà phê theo kiểu “công xưởng”. Là Việt được chia rõ ràng thành hai khu, một khu vực ở trên cao để cho khách hàng ngồi để thưởng thức cà phê, một khu vực xưởng để sản xuất và rang xay cà phê ở dưới.
Không gian quán khá rộng.
Dụng cụ pha chế đẹp mắt.
Ở Là Việt, ngoài cách pha truyền thống quen thuộc của người Việt Nam thì cà phê được pha bởi rất nhiều cách thức pha chế khác nhau. Đối với những đứa thích cà phê như chúng tớ thì đây là một lần được mở rộng tầm mắt. Một ly cà phê pha theo kiểu Pháp là dùng bình thuỷ tinh và piston lọc, hay một ly cà phê cold brew kiểu Mỹ, hay một ly espresso kiểu Ý,… Là Việt giống như một “cửa hàng bách hóa” về cà phê của thế giới. Thế mới bảo văn hóa cà phê Đà Lạt có sự giao thoa với các nền văn hóa cà phê khác trên thế giới.
Tách latte nóng.
Cold brew độc đáo.
Tùng cà phê – Dấu Bắc giữa lòng phố núi
Văn hóa cà phê Đà Lạt còn có sự góp phần của Cà phê Tùng cổ kính. Quán nằm ngay ở khu Hoà Bình, chỉ phục vụ nhạc cổ điển, hòa tấu, tiền chiến (Nhạc Trịnh, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên… được mở bằng những đĩa nhạc do những ca sĩ như Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ thu, Jully, Sĩ Phú thu âm từ trước giải phóng) dành cho người sành nhạc lại sành cà phê. Chủ quán cà phê Tùng, thường được gọi với cái tên thân mật là “chú Tùng” là một người Bắc di cư vào Đà Lạt.
Quán nằm lọt thỏm trong khu Hoà Bình.
Hương vị hoài cổ.
“Thưởng thức” hương vị cuộc sống qua khung cửa sổ.
Cà phê Tùng có mặt tại Đà Lạt hơn 50 năm rồi, không gian quán vẫn như xưa – bé tẹo với hai dãy ghế xưa lắc xưa lơ, vậy mà khách vẫn tấp nập vì có lẽ hương vị cà phê mấy chục năm qua vẫn không thay đổi. Khách đến Tùng thường là những người trung niên, dân nghệ sĩ, dân chụp ảnh, dân trí thức, hay một số du khách nước ngoài cũng đến.
Phin cà phê bằng nhôm.
Sữa chua được yêu thích ở Tùng.
Qua lời kể của con trai ruột “chú Tùng”: Ngày xưa, Tùng là nơi gặp gỡ hội ngộ của những nghệ sĩ tài hoa như Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên và người còn lui tới cho đến bây giờ là nhiếp ảnh gia với mệnh danh “Phước Khùng”. Giữa lòng phố thị, chứng kiến bao nhiêu thay đổi của thời cuộc, là nơi ra đời bao nhiêu tác phẩm của cố nhạc sĩ họ Trịnh, nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ đầu tiên của vị nhạc sĩ đa tình và cô nữ sinh 17 tuổi khi ấy – chính là ca sĩ Khánh Ly bây giờ.
Cà phê Hoài – Quán cóc bình dân
Địa chỉ: Ngay đầu phố Bùi Thị Xuân.
Ở Đà Lạt có rất nhiều quán cà phê cóc bình dân giống như ở Sài Gòn, thật dễ để bắt gặp một quán cóc bất kỳ ở một dãy phố. Quán có thể “vô danh” với khách du lịch nhưng với dân bản địa thì đó là những quán quen, quán mà họ hay lui tới. Và đương nhiên, quán cóc bình dân đó cũng là một “mảng màu” trong bức tranh tổng thể “Văn hóa cà phê Đà Lạt”.
Quán với tông hồng dễ thương.
Ô cửa nhỏ xinh.
Cà phê Hoài có một tông màu hồng siêu dễ thương. Trái ngược với màu sơn hồng ngoài quán thì ở bên trong quán được bài trí bởi những bộ bàn ghế gỗ cũ, những bức tranh đã nhuốm màu thời gian, những ô cửa sổ nhỏ xinh xinh. Cà phê ở đây được pha bằng phin truyền thống sẵn, chỉ cần khách gọi là có ngay một ly mang ra liền, giá cho một ly cà phê chỉ từ 10.000 VND. Những người khách lui tới quán thường là đàn ông trung niên.
Không gian quán rất bé.
Thưởng thức cà phê.
Những quán cafe đẹp ở Đà Lạt phong cách hiện đại
Một phần không thể thiếu trong “bản đồ” văn hóa cà phê Đà Lạt là những quán cafe đẹp ở Đà Lạt mang phong cách hiện đại và rất được lòng các bạn trẻ.
The Sparrow – Quán cà phê mang màu sắc Nhật Bản
Địa chỉ: 56 Phạm Ngọc Thạch.
Đây là một quán cà phê mới được mở cách đây hai tháng. Chủ quán là một đôi bạn trẻ tuổi với một tình yêu đặc biệt với cà phê. Quán được thiết kế theo phong cách tối giản, khá trẻ trung và rất phù hợp với giới trẻ. Những góc Nhật Bản của quán cà phê “chim sẻ” chắc chắn sẽ bạn “lên hình” siêu lung linh đó.
Quán mang đậm chất Nhật Bản.
Đây là một trong những quán cafe đẹp ở Đà Lạt đang được giới trẻ check-in “ầm ầm”.
Bên ô cửa kính.
Đồ uống ở The Sparrow chưa đa dạng lắm nhưng chất lượng thì miễn bàn bạn nhé. Tới quán, bạn hãy thử gọi cho mình một ly cà phê sữa đá pha bằng máy và chậm rãi nhấm từng ngụp cà phê thơm ngon nhé.
Cà phê sữa đá.
Soda chanh leo và dâu rừng.
The Married Bean – Quán cà phê phong cách “rất Tây”
Địa chỉ:Quán nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi – khá gần trung tâm Đà Lạt.
Quán được mở cách đây khoảng 6 năm bởi một chàng trai trẻ tuổi tên Duy – một người dành tình cảm đặc biệt với những hạt cà phê. Người ta bảo: Đến The Married Bean thì phải gọi một ly cà phê specialty (tạm dịch: cà phê tinh hoa). Cà phê specialty – nói một cách tổng quan nhất, vị thơm, hậu vị ngọt, thưởng thức một cách tinh tế như rượu vang. Một ly cà phê specialty “made in Vietnam” thường bắt đầu từ hạt Arabica rồi trải qua một quy trình chuẩn mực thu hoạch, chế biến, lựa chọn cấp độ rang cho đến cách thức pha chế để có được vị hậu ngọt ấy.
Giá bán cà phê.
Quán nằm ở khu phố Hoà Bình.
Nếu bạn không thể đến Mỹ, Ý hay Pháp thì để uống thử một ly cà phê thì hãy đến Đà Lạt. Nếu bạn không thể đến từng vùng miền trên dải đất hình chữ S để uống và cảm nhận những nét đẹp trong văn hoá cà phê ấy thì hãy đến Đà Lạt. Nơi đây là sự cộng hưởng của các cách pha chế, những tinh hoa trong cách thưởng thức cà phê của thế giới.
Tác giả: Vũ Văn Tuyến